Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2016

Chuyện tình trong mơ của đôi vợ chồng tàn tật

Vượt qua sự mặc cảm về bệnh tật, hai số phận không may mắn đã đến với nhau bằng sự mách bảo từ trái tim để tìm đến hạnh phúc và sự yêu thương.
Đám cưới trong mơ
Cách đây 4 năm, tại thôn Vạn Tuế, xã Tân Việt, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, một đám cưới đã được diễn ra giữa hai số phận đặc biệt là anh Nguyễn Tuấn Trình và chị Phùng Thị Vân (đều SN 1982). Lễ cưới đặc biệt bởi chú rể là một thanh niên bị liệt nửa người phải ngồi xe lăn, còn cô dâu mang trong mình chất độc da cam với khuôn mặt biến dạng.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ ấm áp và ngập tràn niềm vui, anh Trình cho biết: “Cho đến bây giờ khi nhắc lại đám cưới năm đó, tôi không nghĩ là mình đã lấy vợ và có một gia đình. Nhiều lúc tôi nghĩ, một gia đình hạnh phúc thật xa với những người như chúng tôi, nhưng rồi nó cũng rất gần nếu như mình dám mở lòng trái tim để chia sẻ, đón nhận”.
 Chuyện tình trong mơ của đôi vợ chồng tàn tật - 1
Cuộc sống hạnh phúc viên mãn của anh Trình, chị Vân. Ảnh: Đức Tùy
Nhớ lại những ngày đầu mới gặp, cả anh Trình, chị Vân vẫn không khỏi ngượng ngùng, họ nhìn nhau cười. Anh Trình kể: “Đúng là yêu nhau qua lời nói, mến nhau qua nụ cười. Vợ tôi mặc dù khuôn mặt không được như bao cô gái khác nhưng giọng nói của cô ấy nghe tình cảm vô cùng, đặc biệt là cô ấy rất vui vẻ để vượt qua mặc cảm. Tôi rất phục cô ấy ở điểm này. Còn sau này, khi lấy nhau rồi, cô ấy thủ thỉ là mến tôi bởi tôi có nụ cười hiền, ấm áp”.
Vậy là từ sau lần gặp gỡ đầu tiên do bạn bè giới thiệu đó, họ đã có tình cảm với nhau. Rồi hạnh phúc đơm hoa kết trái, họ quyết tâm tổ chức đám cưới dẫu biết cuộc sống phía trước còn muôn vàn khó khăn.
Khi chúng tôi hỏi về cuộc hôn nhân của anh với chị Vân, anh Trình chia sẻ: “Tôi bệnh tật thế này, không bao giờ nghĩ là mình lại lấy được vợ. Bởi vì nếu ai đó lấy tôi thì sẽ khổ cả đời, sẽ phải chăm sóc, thậm chí ngay đến quyền làm mẹ cũng không được. Sau khi được bạn bè giới thiệu, nhiều đêm tôi cũng suy nghĩ và đấu tranh tư tưởng và quyết định đi tìm hạnh phúc cho mình”.
Còn với chị Vân thì hoàn cảnh lại khác, gia đình có hai chị em, Vân là chị lớn, bản thân bị nhiễm chất độc da cam do di truyền từ bố. Sau những lần gặp gỡ, chia sẻ hai số phận đặc biệt này đã đến với nhau. Họ đã gắn bó và tìm thấy sự đồng cảm từ nhau.
Nhìn chồng trìu mến chị Vân chia sẻ: “Khi biết tôi và anh Trình lấy nhau, có nhiều người trong họ và bạn bè ngăn cản. Nhưng tôi và anh ấy đã quyết tâm vượt qua sự mặc cảm, bệnh tật để đến với nhau”.
Hôm tổ chức đám cưới, nhiều người dân, phần lớn trong số đó là bạn trẻ, làng xóm láng giềng, người trong xã, đứng chật kín đường để chào đón cô dâu, chú rể trong đám cưới đặc biệt. Khi đoàn xe đưa chú rể và cô dâu từ Tứ Kỳ đến con đường vào thôn Vạn Tuế (xã Tân Việt, huyện Thanh Hà), hàng trăm người đứng chật lối đi vỡ òa trong niềm xúc động. Tuy còn ngượng ngùng, nhưng cô dâu vẫn dũng cảm đẩy chiếc xe lăn đã được kết hoa tân hôn đưa chú rể vượt qua con đường đông kín người về nhà. “Nay tôi đã có vợ, người bình thường mừng 5, 7 phần thì tôi phải mừng đến 15, 20 phần”, anh Trình cười nhìn sang vợ âu yếm.
Cóp nhặt tiền để xin con nuôi
Nhấp ngụm trà nóng, anh Trình chia sẻ: "Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, năm 2002 tôi theo bạn vào tận miền Nam làm công trình xây dựng. Do bất cẩn nên bị ngã giàn giáo, bác sĩ kết luận tôi bị gẫy xương chậu dẫn đến liệt nửa người. Đôi chân dần bị teo, mọi sinh hoạt từ nhỏ nhất tôi đều phải nhờ đến người thân vì thế nên rất chán nản, sống mặc cảm ít nói, khép kín”.
Được sự động viên của gia đình, bạn bè, anh Trình dần lấy lại thăng bằng trong cuộc sống. Anh cho rằng: Nếu mình không tự cứu lấy mình, tự vượt qua mọi khó khăn thì sống cũng vô nghĩa. Năm 2007, anh học nghề sửa chữa điện thoại, năm sau anh được người nhà cho mượn ngôi nhà nhỏ nằm ở trục đường chính của xã mở cửa hàng làm nơi lập nghiệp. Cũng chính từ công việc này đã mang lại niềm vui cho anh trong cuộc sống và chính công việc này đã giúp anh có được người vợ yêu thương.
Cho chúng tôi xem bộ ảnh trong ngày cưới, chị Vân vui vẻ và hãnh diện khi chia sẻ niềm hạnh phúc của mình. Hàng ngày, anh Trình sửa chữa điện thoại kiếm vài chục nghìn, hôm đông khách thì kiếm được một 100.000 đồng, còn chị Vân nhận hàng về thêu tay. Mỗi ngày công thêu, chị cũng kiếm được vài chục ngàn, cộng với thu nhập của chồng nên phần nào đủ để trang trải, ăn tiêu và dành dụm được một ít. Số tiền dành dụm đó không nhiều nhưng để đề phòng khi hai vợ chồng ốm đau.
Trước khi rời ngôi nhà tràn ngập hạnh phúc của anh chị, tôi được nghe tâm sự của anh Trình: “Vợ tôi bị ảnh hưởng di chứng chất độc màu da cam, mặt dị dạng nên hay bị ho, hen phế quản. Quan trọng nhất là vợ chồng tôi đang cố dành dụm có được một món tiền nhỏ để xin một đứa con về nuôi. Ai mà không mong muốn được nghe con gọi tiếng cha, tiếng mẹ, nhưng giờ hai vợ chồng tôi chưa đủ điều kiện. Nghĩ vậy nên hai vợ chồng càng cố gắng”. Tôi chúc cho ước nguyện nhỏ nhoi của anh chị sớm thành hiện thực.Giá cân điện tử 60 tấn | Giá cân điện tử 80 tấn | Giá cân điện tử 100 tấn | Giá cân điện tử 120 tấn | Giá cân điện tử 150 tấn | Giá cân điện tử 40 tấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét