Nhiều người đã bật khóc khi nhìn thấy người lính cứu hoả mặt đen nhẻm dẫn theo đoàn người đi ra từ toà nhà dày đặc khói.
Khuôn mặt đen nhẻm của hạ sĩ Tùng sau khi giải cứu 50 người trong vụ cháy toà nhà CT4
Dáng người trung bình, gương mặt thư sinh, vẻ bề ngoài nhút nhát, ít ai ngờ rằng, chàng hạ sĩ trẻ Trương Duy Tùng (SN 1993, hiện là cảnh sát PCCC huyện Thanh Trì) cách đây mấy hôm đã cứu thoát 50 người mắc kẹt trong toà nhà CT4B (khu đô thị Xa La, Hà Đông).Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Kế toán (Bộ Quốc phòng), chàng trai trẻ đã không theo nghề giấy bút mà quyết định khoác lên người bộ quần áo của người lính cứu hoả. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống bố làm trong quân đội, mẹ công tác ở ngành Y nên quyết định của Tùng đều được cả gia đình đồng ý. Và, quyết định đó của Tùng đã phần nào đi đúng hướng khi mới chưa đầy 2 năm làm nhiệm vụ dập lửa cứu người, Tùng đã có tới gần 20 lần trực tiếp khống chế “giặc lửa”, được đồng đội và cấp trên ghi nhận.
Tùng chia sẻ: "Nếu không trở thành lính cứu hoả chuyên nghiệp, em sẽ vẫn khoác lên mình màu áo lính".
Trong vụ cháy gần đây nhất tại toà nhà CT4 (khu đô thị Xa La, Hà Đông), nhiều người không khỏi xúc động khi một người lính cứu hoả mặt đen nhẻm, chỉ còn 2 con mắt vẫn rực sáng dẫn theo đoàn người mắc kẹt từ trên tầng thượng của toà nhà đi xuống. Mọi người không ngờ rằng chỉ với một chiếc mặt nạ, một bình oxy trên vai mà chàng lính trẻ đã tiếp cận và đưa 50 người đang mắc kẹt trong toà nhà CT4B lên sân thượng để tránh ngạt khói, rồi sau đó dẫn đường đưa tất cả những người đó xuống dưới an toàn.Tùng kể: “Khoảng 20h ngày 11/10, em cùng đồng đội đã có mặt tại hiện trường vụ cháy, cả đội chia làm 2 nhóm. Lúc này em cùng tiểu đội trưởng đeo mặt nạ phòng độc, bình thở oxy leo thang bộ đến tầng 20 thì có tiếng kêu cứu từ một căn hộ tại đây. Khi mở cửa, có một người phụ nữ khoảng 50 tuổi đang ở trong phòng. Anh tiểu đội trưởng đi cùng đã đưa người này xuống đất, còn em nhận nhiệm vụ tiếp tục leo lên các tầng, tìm người mắc kẹt bên trong”. Càng lên cao, khói càng dày đặc, mù mịt, Tùng phải dùng đến hai đèn pin. “Xác định còn nhiều người mắc kẹt ở các tầng trên nên em hạn chế dùng bình thở oxy vì biết đâu người bị nạn cần dùng đến”.
Nhớ lại những phút giây cứu người, Tùng kể tiếp: “Khi lên đến tầng 32, 33, 34 em gõ cửa từng phòng để trấn an mọi người, hướng dẫn họ lấy khăn ẩm, tập trung đi thành hàng một, theo cầu thang bộ lên tầng thượng. Có trường hợp đặc biệt là một gia đình có cháu nhỏ mới sinh khoảng 10 ngày tuổi, em đã lấy chăn ướt trùm lên cả 2 mẹ con rồi dìu người mẹ đang ôm con nhỏ lên tầng thượng”. Do người mẹ và đứa con sơ sinh đứng trên sân thượng trong thời tiết gió lạnh nên rét run và đói, Tùng đã xuống tầng dưới tìm đồ ăn, sữa mang lên cho mọi người cầm cự.
Sau một giờ đồng hồ tập hợp người dân trên tầng thượng và khi nhận được tín hiệu của đồng đội là khói đã đỡ nhiều, Tùng đã hướng dẫn khoảng 30 thanh niên đi theo thang bộ xuống đất. 20 người còn lại gồm người già, trẻ nhỏ... tiếp tục ở trên sân thượng chờ lực lượng cứu hộ và y tế lên trợ giúp, đưa xuống đất.
Công việc đầu bếp thường ngày của Tùng.
Trung tá Nguyễn Xuân Tuấn – Phó đội trưởng đội PCCC Thanh Trì nói về người chiến sĩ của mình: “Tùng là một chiến sỹ có năng lực, luôn ham học hỏi và được đồng đội yêu quý. Mỗi khi giao nhiệm vụ, Tùng luôn hoàn thành xuất sắc công việc được giao”.Trở về với công việc hàng ngày, ngoài giờ tập luyện, với tài nấu nướng, Tùng hiện nay đang là “đầu bếp” chính phục vụ bữa sáng cho toàn đơn vị. “Để tiết kiệm chi phí ăn sáng, toàn đơn vị đã thống nhất là tự nấu đồ ngay tại căng tin và Tùng thường xuyên là đầu bếp chính trong bữa sáng đó” – Trung tá Tuấn chia sẻ.
Khi được hỏi về ước mơ sau này, Tùng tươi cười: “Hết thời gian nghĩa vụ em hy vọng tiếp tục được ở lại để chính thức trở thành một người lính cứu hoả chuyên nghiệp. Nếu không đủ tiêu chuẩn, em sẽ lại quay lại với công việc kế toán và vẫn muốn được khoác lên mình bộ quần áo lính”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét