Dựa vào con để sống
Vòng quay nghiệt ngã của số phận luôn cướp đi những người đàn ông lớn của cuộc đời tôi: mồ côi bố lúc mới 10 tuổi, mất chồng khi vừa thành thân chưa đầy 3 năm.
Một mình lặn lộn giữa nơi đô hội chống chèo nuôi con, đau đớn, cô độc, mới hơn 20 tuổi, tôi phải bấu víu lấy cô con gái bé nhỏ làm điểm tựa để gượng dậy.
Hơn ai hết, tôi rất hiểu nỗi đau khi trong nhà thiếu vắng hơi ấm của người đàn ông trụ cột.
Suốt từ khi mới 10 tuổi, tôi đã luôn phải chứng kiến cảnh mẹ một mình chống chọi với cuộc sống đầy thử thách từ việc kiếm tiền, dựng nhà, đối nội đối ngoại đến việc chăm sóc và nuôi chị em tôi.
Nhìn mẹ vất vả một mình cô độc nuôi con, tôi luôn tâm niệm khao khát lớn lên sẽ bù đắp cho mẹ và xây dựng một cuộc sống hạnh phúc để mẹ có chỗ nhờ cậy khi tuổi già.
Năm 23 tuổi, tôi lên xe hoa về nhà chồng ở miền quê Phú Thọ. Những tưởng tình yêu, hạnh phúc gia đình sẽ lấp đầy cuộc sống vốn nhiều mất mát, đau buồn của tôi.
Nhưng ai ngờ, chỉ sau 3 năm chung sống, chồng tôi đã vĩnh viễn ra đi vì một tai nạn giao thông. Đó là cú sốc lớn không dễ gì vượt qua cho cả hai mẹ con tôi.
Chị Nguyệt dựa vào con để vượt qua nỗi cực khổ làm mẹ đơn thân
Cả một tuổi thơ của tôi đã thiếu vắng bàn tay người cha, giờ lại đến lượt con gái mất cha, mà thậm chí tệ hơn, bé mới có 3 tuổi, cái tuổi mà thậm chí chưa hiểu được nỗi mất mát thiệt thòi mà bé đang gánh.
Tôi chới với vì mất phương hướng đi và rất nhiều ngày đã tưởng mình gục ngã. Ấy thế nhưng khi những giọt nước mắt đã cạn rồi, nhiều đêm trắng lặng lẽ nhìn con gái ngủ mơ màng tìm cánh tay bố vỗ về, tôi chợt thức dậy khao khát mãnh liệt: phải sống vững vàng vì con, sống cả cuộc sống đang còn dang dở của chồng.
Mỗi khi đêm về, khi con gái đã chìm vào giấc ngủ êm đềm là lúc tôi bắt đầu phải đối diện với sự cô đơn, trống vắng. Và những khi như vậy, tôi lại trải lòng mình theo những lá thư gửi cho người chồng quá cố. Đối với tôi, sự ra đi của người chồng dường như không phải để đến với thế giới bên kia.
Trong một lá thư viết gửi cho chồng đề ngày 29/7, tôi đã viết:
“Em không biết có tồn tại thế giới thứ 3 như người ta vẫn nói hay không, nhưng em luôn cầu mong và có cảm nhận anh đang ở rất gần em.
Em không biết mình sẽ phải làm gì để có thể quên anh. Quên không phải vì em không còn yêu, mà quên vì em còn phải sống để nuôi con của chúng ta. Anh có còn nhớ không? Con gái của chúng ta đã tròn 6 tuổi hôm 12/7 vừa rồi, sinh nhật con – em mừng vì con đã lớn, nhưng em lại buồn vì vắng anh…”.
Khi bước vào cuộc sống làm mẹ đơn thân, điều đầu tiên tôi e sợ là khả năng tài chính. Ông bà nội ngoại đều có tuổi, điều kiện kinh tế lại cũng không thể giúp đỡ gì được nhiều.
Con gái chỉ có thể trông chờ vào một mình tôi trong khi đó ở quê tìm được việc có thu nhập tốt chẳng hề đơn giản. Và thế là cô quyết định rời xa quê, một mình đưa con về Hà Nội làm việc cho một công ty sữa.
Với thu nhập của một nhân viên phải tằn tiệm lắm tôi mới đủ cho tiền thuê nhà, tiền học phí của con, tiền sinh hoạt của hai mẹ con. Đâu chỉ có vậy, cuộc sống nơi đô thị thật không hề đơn giản với người mẹ đơn thân.
Suốt trong 4 năm trời sống trọ ở Hà Nội, tôi đã không biết bao lần phải chuyển nhà. Lần chuyển vì nhà tăng giá, lần vì xóm trọ có những thành phần bất hảo, thậm chí có lần chuyển nhà đơn giản vì bị chủ nhà không thích cho thuê nữa.
Ở nơi đất chật người đông ấy, tìm được những phòng trọ có tầm tiền ít không dễ, nhất là ở trung tâm nơi trường con học hay nơi tôi làm.
Vì thế nên mẹ con tôi luôn phải săn lùng những phòng trọ xa trung tâm thành phố.
Mỗi lần chuyển phòng trọ là mỗi lần đi từ đầu thành phố đến cuối thành phố. Người ta chuyển phòng thì thuê xe lớn, xe nhỏ, vợ chồng anh em xúm vào còn tôi chỉ có hai mẹ con với chiếc xe máy cũ, chạy đi chạy lại chuyển đồ như con kiến tha mồi, lâu thành đầy tổ. Mẹ tay xách đồ, tay dắt díu con đi khắp ngang cùng ngõ hẻm.
Nhưng đáng sợ nhất là mỗi lần con ốm phải nhập viện. Tiền không có nhiều, người thân bên cạnh lại không có ai. Nửa đêm con sốt cao một mình tôi đưa con vào viện.
Rồi có những khi con nằm viện đến cả tuần mà mẹ lại không thể nghỉ được dài, đánh liều sáng tôi gửi con cho những người cùng phòng, ù té đến công ty rồi trưa, chiều lại như con thoi đi lại viện chăm con.
Nhiều khi đêm thức trắng chăm con ở viện, ngày lại quần quật nơi công sở, tôi cảm thấy kiệt quệ sức lực, muốn buông xuôi, bỏ mặc tất cả… Nhưng rồi, cứ vào mỗi lúc đau khổ nhất ấy, để thoát ra, tôi lại ôm con vào lòng, ngắm nhìn sự lớn khôn từng ngày của con, nụ cười trong sáng của bé . Và tôi lại thấy mình mạnh mẽ.
Hai mẹ con cùng đi công tác
Nhà chỉ có hai mẹ con, mẹ lại tan sở muộn nên hôm nào bé Quỳnh Trang cũng là người về sau cùng ở lớp mẫu giáo. Còn những khi mẹ đi công tác, không có cách nào khác là phải mang cả con theo cùng.
Việc thường xuyên dịch chuyển trong những chuyến công tác xa ở những vùng quê hẻo lánh, xa xôi đã thành một phần tuổi thơ của bé. Những chặng đường miền núi, vùng sâu, xa có thể khiến bất kỳ người phụ nữ nào từng phải đi công tác nhiều sợ nhưng với tôi thì dường như không còn cảm giác say xe, mệt mỏi nữa vì dường như khi đó nỗi lo cho con lấn lướt hết.
Cứ thế, chuyến công tác nào cũng ghi dấu chân hai mẹ con. Lúc tôi cùng mọi người vào giờ làm việc, con gái ở ngoài xe ô tô, chơi cùng với bác lái xe. Lúc cả đoàn say sưa thưởng ngoạn cảnh vùng quê hay chơi đùa, tôi lặng lẽ chăm lo cho con gái, thậm chí nhiều khi là chăm sóc con ốm. Con gái của tôi giờ đã trở thành con chung của mọi người trong cơ quan.
Cố gắng ngày đêm để kiếm tiền, bù đắp những thiếu hụt cho con. Nhưng có một điều cho đến giờ và có lẽ cả sau này tôi nghĩ mình vẫn không thể thực hiện được cho con gái đó là mong muốn “nhà mình có thêm người” của con. Nghe con nói một cách ngây ngô:
“Con chán cuộc sống mà chỉ có hai mẹ con lắm rồi”, tôi cảm thấy nhói đau. Nhưng với tôi, cuộc đời này chẳng ai có thể thay thế bố của con gái.