Từ ngày hôm nay, các dịch vụ y tế sẽ đồng loạt tăng giá. Theo đó, có nhiều dịch vụ sẽ tăng hơn giá cũ từ 5 đến 7 lần. Việc tăng giá lần này sẽ gắn liền với lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân.
Ảnh minh hoạ
Theo Bộ Y tế, bắt đầu từ hôm nay 1/3, cụ thể các mức giá dịch vụ y tế tăng khoảng 30 %, khi tính cả yếu tố tiền lương vào thì giá tăng 50 % so với hiện nay. Trong năm 2016 sẽ có hai đợt tăng giá viện phí.Theo đó, tăng nhiều nhất là giá khám chữa bệnh và giá ngày giường. Cụ thể, giá khám bệnh bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1 tăng từ 20.000 lên 39.000 đồng; Bệnh viện hạng 2 tăng từ 15.000 lên 35.000 đồng; Bệnh viện hạng 3 từ 10.000 lên 31.000 đồng...
Giá giường nằm điều trị hồi sức tích cực của bệnh viện hạng đặc biệt sẽ tăng từ 354.000 lên 677.000 đồng/ngày, mức tăng của bệnh viện hạng 1, hạng 2 sau 1/7 lần lượt là 632.000 đồng và 569.000 đồng.
Tuy nhiên nhiều dịch vụ có mức thấp như siêu âm từ 30.000 lên 49.000 đồng, chụp X-quang thường từ 36.000 đồng lên 47.000 đồng, chụp và can thiệp tim mạch từ 6,3 triệu đồng lên 6,7 triệu đồng; chụp PET/CT từ 19,3 triệu đồng lên 20,1 triệu đồng...
Dịch vụ “Truyền hóa chất tĩnh mạch” là 124.000 đồng, dịch vụ “Phẫu thuật giải phóng chèn ép tủy” là phẫu thuật đặc biệt thuộc chuyên khoa ngoại chưa được quy định mức giá cụ thể tại Phụ lục III. Giả sử dịch vụ này được Bộ Y tế xếp tương đương về kỹ thuật và chi phí với dịch vụ số 369 “Phẫu thuật giải ép thần kinh/khoan thăm dò sọ”; khi đó dịch vụ này ngày 01/3/2016 sẽ được áp dụng mức giá của dịch vụ số 369 là 3.673.000 đồng.
Tương tự dịch vụ “Phẫu thuật lấy bỏ vùng động kinh bằng đường mở nắp sọ” là phẫu thuật đặc biệt thuộc chuyên khoa ngoại được xếp nhóm dịch vụ “các phẫu thuật thủ thuật còn lại khác chuyên khoa ngoại” là 3.004.000 đồng.
Kể từ ngày 01/3/2016, thực hiện Thông tư 37, giá dịch vụ chụp CT Scanner 64 dãy có thuốc cản quang là 2.167.000 đồng, người bệnh có thẻ BHYT ngoài phần đồng chi trả theo quy định phải nộp phần chênh lệch là 333.000 đồng (bằng 2.500.000 đồng - 2.167.000 đồng); từ ngày 01/7/2016 giá chụp CT Scanner 64 lát có thuốc cản quang là 2.266.000 đồng thì ngoài phần đồng chi trả theo quy định, bệnh viện chỉ được thu thêm 234.000 đồng (2.500.000 đồng - 2.266.000 đồng).
Để tránh ảnh hưởng đến các nhóm đối tượng khác nhau, Bộ Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện không được tăng giá khám, chữa bệnh theo yêu cầu, các dịch vụ trên chương trình xã hội hoá của bệnh viện.
Bộ Y tế cũng cho biết rõ số thu từ các dịch vụ, kỹ thuật y tế, kể cả số thu do cơ quan Bảo hiểm xã hội thanh toán cho người bệnh có thẻ Bảo hiểm y tế theo quy định tại Thông tư 37 được để lại toàn bộ cho đơn vị sử dụng. Đơn vị được chủ động sử dụng nguồn tài chính này cho các hoạt động thường xuyên theo quy định tại Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 14/02/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.
Để nâng cao chất lượng dịch vụ, trước mắt là công tác khám bệnh và bảo đảm giường điều trị cho người bệnh, các đơn vị phải ưu tiên sử dụng nguồn thu để nâng cấp phòng khám và buồng bệnh. Hàng năm, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải dành tối thiểu 5% số thu (riêng các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được xếp hạng là bệnh viện hạng III, hạng IV phải dành tối thiểu 3% số thu) để sửa chữa, nâng cấp, cải tạo, mở rộng khu vực khám bệnh; mua sắm trang bị điều hòa, máy tính, các bộ dụng cụ khám bệnh đa khoa, chuyên khoa, bàn, ghế, giường, tủ… cho các phòng khám, buồng khám.
Ngoài ra, cũng theo Bộ Y tế, các cơ sở phải công khai mức thu của các dịch vụ thực hiện tại cơ sở khám chữa bệnh để người bệnh biết, thực hiện, đặc biệt là mức thu khám bệnh, ngày giường điều trị. Trong quá trình thực hiện, nếu phát hiện mức giá dịch vụ Liên Bộ đã ban hành nhưng không phù hợp, đề nghị các đơn vị, địa phương phản ánh bằng văn bản về Bộ Y tế, Bộ Tài chính để xem xét, điều chỉnh cho phù hợp, không tự điều chỉnh mức thu hoặc yêu cầu người bệnh đóng thêm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét